Anh Toản cũng là một trong những người tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng.
Cập nhật công nghệ thời 4.0 cho người cao tuổi.
Lâu nay việc tiếp cận với công nghệ thông tin để ứng dụng hàng ngày đối với người cao tuổi vẫn luôn là việc làm khó khăn. Thế nên thời gian qua thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ đã thành lập một Câu lạc bộ tin học dành cho người cao tuổi và cựu chiến binh. Để Câu lạc bộ này ra đời và đi vào hoạt động hiệu quả như hiện nay, không thể không kể đến anh Hoàng Quốc Toản - một trong những người đặt nền móng và khai sinh ra Câu lạc bộ.
Anh Hoàng Quốc Toản, sinh năm 1981, hiện đang sống tại khu Tân Xuân, thị trấn Xuân Mai. Trước đây anh làm quản lý Công ty máy tính Bách khoa Xuân Mai. Hiện tại, anh Toản làm tư vấn chăm sóc, xử lý các sự cố liên quan tới máy tính văn phòng, camera giám sát cho các khách hàng, doanh nghiệp.
Được biết, năm 2004 theo tiếng gọi của Tổ quốc anh Toản lên đường nhập ngũ tại Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn I. Năm 2006, trở về quê hương sau khi xuất ngũ, với bản lĩnh người chiến sỹ Cụ Hồ, anh Toản luôn tích cực tham gia vào các hoạt động, phong trào tại địa phương. Trong đó anh tích cực tham gia công tác vào các tổ chức đoàn thể của thị trấn Xuân Mai như: Đoàn thành niên, câu lạc bộ cựu quân nhân, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ…
Vốn là người có đam mê và năng khiếu đối với Công nghệ thông tin và tiếng Anh, anh Toản luôn tìm tòi tự học và tham gia các khóa học để nâng cao trình độ. Với mong muốn đóng góp cho cộng đồng, anh đã nhen nhóm ý tưởng và đứng ra kêu gọi thành lập Câu lạc bộ Tiếng anh, với 15 thành viên là thanh niên, sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học trong khu vực; tạo sân chơi bổ ích cho thanh niên, trẻ em và nâng cao hơn kiến thức, kỹ năng tiếng Anh của chính bản thân.
Đặc biệt, suốt nhiều năm qua, anh Toản luôn được người cao tuổi và cựu chiến binh trên địa bàn thị trấn Xuân Mai gọi với cái tên trìu mến “thầy giáo Toản”. Bởi anh là một trong hai người đồng sáng lập câu lạc bộ Tin học người cao tuổi và cựu chiến binh khu Tân Xuân. Hiện anh đang là Trưởng ban giáo viên, phụ trách công tác đào tạo của Câu lạc bộ.
Chia sẻ về ý tưởng thành lập Câu lạc bộ anh Toản cho biết: “Sau khi thành lập Câu lạc bộ tiếng Anh cho những người trẻ, tôi luôn ấp ủ sẽ tạo thêm một sân chơi mới để mọi người, đặc biệt là người cao tuổi có thể tham gia. Để giúp các cụ luôn được sống vui, sống khỏe và không tụt hậu kiến thức so với thời đại”. Và rất tình cờ anh được tiếp cận mô hình các tình nguyện viên của Nhật với các hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng, các bác 70 tuổi nhưng sử dụng máy vi tính rất thành thạo. Còn ở Việt Nam anh được tiếp cận mô hình câu lạc bộ tin học dành cho người cao tuổi đầu tiên là ở Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh của thầy Nguyễn Cao Lân hoạt động rất hiệu quả.
Sau khi thực tế và được thầy Nguyễn Cao Lân tư vấn, anh Toản nảy ra ý tưởng xây dựng mô hình này tại thị trấn Xuân Mai. Theo lý giải của anh Toản, thị trấn Xuân Mai là vị trí đắc địa, trung tâm kinh tế phát triển, lực lượng hưu trí đông đảo là các giảng viên, người công tác trong các đơn vị quân đội…Và may mắn, tại đây anh được gặp gỡ cựu chiến binh Nguyễn Minh Đức - Đại tá quân đội nghỉ hưu cũng là người rất yêu đam mê với công nghệ thông tin và đang sinh hoạt tại khu Tân Xuân, nên cả hai đã cùng nhau sáng lập ra Câu lạc bộ tin học dành cho người cao tuổi và cựu chiến binh của khu.
Sau khi được cấp trên đồng ý, ngày 15/11/2015 Câu lạc bộ được thành lập, đã mở ngay một khóa đào tạo tin học hoàn toàn miễn phí đầu tiên cho 30 học viên. Bác Nguyễn Minh Đức làm chủ nhiệm, anh Hoàng Quốc Toản làm Trưởng ban giáo viên. Giảng viên trực tiếp đứng lớp gồm anh và bác Đức. Ngoài ra, anh còn huy động máy tính, laptop, lực lượng tình nguyện viên là sinh viên các trường Cao đẳng cộng đồng, Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ, Đại học Lâm Nghiệp, từ Công ty Máy tính Bách khoa Xuân Mai nơi anh làm việc tham gia hỗ trợ cho các học viên.
Câu lạc bộ ra đời và hoạt động trên tinh thần tự nguyện, nhằm giúp đỡ lẫn nhau là chính. Tính đến thời điểm hiện tại, Câu lạc bộ đã tăng lên 60 thành viên. Câu lạc bộ cũng đã mở được 3 khóa dạy tin học miễn phí cho người cao tuổi, cựu chiến binh. Mỗi khóa có từ 30 - 60 học viên, học viên cao tuổi nhất là 80 tuổi. Không chỉ trên địa bàn thị trấn Xuân Mai mà còn mở rộng thu hút đối với người cao tuổi các địa phương lân cận như xã Thủy Xuân Tiên, Đông Phương Yên, Nam Phương Tiên hay xã Hòa Sơn - huyện Lương Sơn, xã Hòa Thạch - huyện Quốc Oai. Đặc biệt, thu hút cả lớp tuổi trẻ hơn là những trưởng, phó khu phố tới tham gia. Tại đây, các học viên sau khi được phổ cập tin học cơ bản sẽ được học lớp nâng cao.
Anh Toản hướng dẫn thực hành cho các học viên.
Với phương châm thiết thực, trực tiếp, hiệu quả, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, dưới sự hướng dẫn tận tình của anh Toản, bác Đức và các tình nguyện viên, sau các khóa học, hầu hết học viên đã có thể sử dụng thành thạo máy tính, biết soạn thảo văn bản, khai thác thông tin trên mạng Internet, tạo lập Email cá nhân, gửi và nhận thư điện tử; Tiếp cận và biết khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến... Tới đây, Câu lạc bộ tin học dự kiến tiếp tục tổ chức khai giảng lớp dạy tin học miễn phí khóa IV vào quý III/2019 cho cán bộ cựu chiến binh trong huyện Chương Mỹ có mong muốn tham gia.
Tham gia thiện nguyện như một lẽ sống
Sau nhiều năm Câu lạc bộ đi vào hoạt động và đã thu được những kết quả tích cực, điều đó khiến cho anh Toản cảm thấy mãn nguyện. Anh Toản vui khi thấy mình đã góp một phần công sức giúp tạo ra được sân chơi bổ ích cho Người cao tuổi không chỉ trong thị trấn Xuân Mai, mà rộng hơn là cả trong huyện Chương Mỹ và một số huyện lân cận tham gia. Khi đến đây, ngoài kiến thức mới, nhiều học viên đã phá vỡ được vỏ bọc của chính mình. Nhiều học viên cao tuổi, bệnh tật nhưng khi đến lớp học được giao lưu, chia sẻ và động viên họ đã có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật. Thậm chí, nhiều học viên từ việc không biết gửi tin nhắn đã tự thao tác được các bước thực hiện dịch vụ công trực tuyến, liên lạc bằng hình ảnh với con cháu ở nước ngoài…hoặc quản lý công việc kinh doanh của gia đình.
Đơn cử như trường hợp ông Nguyễn Như Đối - gần 80 tuổi (thị trấn Xuân Mai), dù bị bệnh Parkinson nhưng vẫn cố gắng theo học, không bỏ tiết nào. Trước đó, do còn nhiều hạn chế về công nghệ, nên dù có điện thoại thông minh, song ông cũng chỉ sử dụng được 1/3 các tính năng của điện thoại. Nhưng từ khi tham gia lớp học, thì mọi tính năng của điện thoại ông Đối đều sử dụng thành thạo và dễ dàng.
Ngoài ra, anh Toản còn là người tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Anh Toản bắt đầu tham gia các hoạt động thiện nguyện từ năm 2014 đến nay đã được 5 năm. Được biết anh Toản là một trong những thành viên tích cực của Hội chung tay vì Cộng đồng Hà Nội. Hàng năm, đều tham gia cùng Hội 2 hoạt động thiện nguyện lớn vào các dịp tết thiếu nhi 1/6 và dịp cuối năm như tặng quần áo, chăn ấm cho trẻ em vùng cao tại Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Hòa Bình, Bắc Kạn trẻ em nghèo tại Nghệ An… Anh cho biết mỗi chuyến đi xa, tình nguyện viên đều phải tự túc toàn bộ kinh phí đi lại ăn ở. Trong khả năng còn hạn chế, anh tham gia ủng hộ tặng quà từ 300 - 500 ngàn đồng và đảm nhiệm là MC chương trình và trao quà…
Anh Toản tham gia hoạt động tiếp sức mùa thi năm 2016 tại điểm thi trường Đại học Lâm Nghiệp và các hoạt động thiện nguyện tại Trại phong, huyện Quốc Oai; Bắc Kạn; Đà Bắc, Hòa Bình.
Đặc biệt, anh Toản còn tham gia chương trình tiếp sức mùa thi nhiều năm liên tiếp tại điểm thi trường trường Đại học Lâm Nghiệp. Anh là thành viên tích cực kết nối các tổ chức thiện nguyện tổ chức chương trình tiếp sức mùa thi, hỗ trợ thí sinh và phụ huynh hàng nghìn suất cơm miễn phí, mỗi suất trị giá 20.000 đồng. Hỗ trợ tìm nhà trọ hay chở xe ôm miễn phí đưa đón các thí sinh. Hay chương trình thiện nguyện tại Trại phong, huyện Quốc Oai, vốn là nơi nhiều người kiêng dè, nhưng anh và các thành viên không hề ngần ngại đã đem đến những suất cháo, xôi miễn phí cho những bệnh nhận nơi đây, giúp họ thêm niềm vui, ấm áp.
Đối với anh Toản, thiện nguyện vì cộng đồng với anh như là một lẽ sống. Và anh mong mỏi những hoạt động ý nghĩa có thể lan tỏa để mọi người cùng chung tay tham gia, bởi lẽ một cánh én nhỏ chẳng làm nên những mùa xuân. “Qua mỗi hoạt động thiện nguyện, điều tôi tâm niệm và mong muốn là mang đến nụ cười và tinh thần lạc quan, tự tin hơn đối với những hoàn cảnh còn khó khăn. Và với tôi còn trẻ, còn sức khỏe thì tôi còn tiếp tục sống và cống hiến cho cộng đồng” anh Toản cho biết thêm.
Hoài Lưu
(Trung tâm Văn hóa - TT&TT Chương Mỹ)